Trong thời gian chữa trị ung thư, có nhiều vấn đề khiến phụ nữ lo ngại: “Cuộc sống tiếp theo sẽ thế nào? Liệu có được như trước không? Cuộc sống nói chung sẽ được “bình thường” không? Bệnh sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục như thế nào?"

Thiendan.vn

Hình minh họa

Có nên tránh quan hệ tình dục vì sợ bệnh tái phát không?

Một số phụ nữ sau khi trải qua bệnh ung thư sợ rằng nếu sinh hoạt vợ chồng, bệnh có thể sẽ tái phát. Theo quan điểm y học, việc lo ngại như vậy là hoàn toàn không có cơ sở. Ngược lại, những tình cảm ấm áp và cảm xúc tích cực có được trong quan hệ vợ chồng sẽ tạo ảnh hưởng tốt đối với trạng thái tâm lý phụ nữ, gây tác động tích cực đến thể trạng.

Ung thư có lây truyền trong quan hệ tình dục không

Không. Bản thân những tế bào ác tính không thể truyền từ người này qua người khác theo đường quan hệ tình dục. Nếu bằng cách nào đó tế bào ung thư vẫn chuyển sang cơ thể khác (ví dụ, khi thử nghiệm trên động vật), hệ thống miễn nhiễm lập tức nhận biết ra ngay đó là dị thể và tiêu diệt các tế bào đó.

Trị liệu bằng hormone là gì?

Mục đích của việc trị liệu bằng hormone khi chữa bệnh ung thư là ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư bằng cách khoá chặt ảnh hưởng của hormone sinh dục nữ (oestrogene) lên tế bào ung thư. Trị liệu bằng hormon thường được áp dụng đối với những phụ nữ vẫn còn chức năng sinh đẻ.

Tuỳ thuộc vào dạng trị liệu bằng hormone ở mức độ cao hay thấp khác nhau có thể xuất hiện những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh như: rối loạn kinh nguyệt, thấy những “đợt triều” (cơn nóng) và khô âm đạo. Trong thời gian này không thể xảy ra việc thụ thai, mặc dù có xảy ra một số trường hợp mang thai, nhưng hiếm gặp. Trong thời gian trị liệu bằng hormone, đôi khi người ta sử dụng hormone sinh dục nam androgene, chất này ngay cả với hàm lượng thấp có thể làm tăng ham muốn tình dục. Khi thay đổi thuốc, tất cả các triệu chứng này thường biến mất và người phụ nữ lại có thể mang thai.

Hoá trị liệu ảnh hưởng đến trạng thái sức khoẻ như thế nào?

Trong quá trình chữa bệnh ung thư, người ta có thể áp dụng hoá trị liệu với các loại thuốc gây cản trở sự phân chia tế bào. Các chất này có khả năng ảnh hưởng đến sự tiết ra hormone trong cơ thể người bệnh, trong đó ở mức độ khác nhau sự hình thành hormone trong buồng trứng có thể giảm đi.

Do mức oestrogene giảm đột ngột ở người phụ nữ có thể xuất hiện những dấu hiệu điển hình của thời kỳ mãn kinh như: những “đợt triều” nóng bức, khô và co âm đạo, rối loạn kinh nguyệt. Đau, ngứa và có chất tiết ra là những dấu hiệu đầu tiên về sự thay đổi niêm mạc âm đạo.

Khi tiến hành hoá trị liệu, niêm mạc âm đạo cũng có thể bị viêm, bị tấy lên. Trong trường hợp này tốt hơn hết nên tạm thời ngừng sinh hoạt tình dục, tránh mặc quần áo bằng sợi tổng hợp và có sợi thô, nên mặc đồ lót bằng vải bông, trong vệ sinh cá nhân tạm thời không sử dụng xà bông và không thực hiện rửa sâu.

Tuỳ theo lứa tuổi của người phụ nữ, tuỳ dạng và thời gian kéo dài hóa trị liệu, sau khi kết thúc đợt chữa bệnh, chức năng của buồng trứng lại được phục hồi. Các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh biến dần và có thể mang thai lại. Song các bác sĩ khuyên nên để việc này xảy ra không sớm hơn 2-3 năm sau quá trình chữa bệnh, vì các thuốc hoá trị liệu có thể gây hại cho đứa bé tương lai.

Những người chữa ung thư bằng xạ trị có gây nguy hiểm cho những người xung quanh không?

Trong đa số trường hợp, nguồn phóng xạ dùng để chiếu xạ cho người bệnh nằm ở bên ngoài cơ thể hoặc đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể người trong một thời gian ngắn. Đôi khi các chất phóng xạ được đưa vào máu nhằm mục đích chẩn đoán và chữa bệnh, nhưng trong cơ thể chất đồng vị phóng xạ nhanh chóng phân rã và bị thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Do vậy, sau khi kết thúc các biện pháp chẩn đoán hay chữa bệnh, người bệnh không gây nguy cơ gì đối với những người xung quanh.

Sau đây là một số khó khăn nảy sinh khi chữa các u ung thư ở những vị trí cụ thể. Các bệnh ở những cơ quan trong xương chậu có thể có ảnh hưởng đến chức năng tình dục của phụ nữ.

Cắt bỏ tử cung hay buồng trứng

Việc này không hạn chế cảm giác tình dục và cũng không cản trở việc đạt được khoái cảm của phụ nữ. Thậm chí cả khi âm đạo bị ngắn đi, vùng âm vật, môi và lối vào âm đạo vẫn hoạt động bình thường như trước, như vậy là đủ để tạo cảm giác tình dục. Đối với một số phụ nữ, sau phẫu thuật, khi đạt cực khoái có thể xuất hiện cảm giác đau.

Đôi khi phụ nữ có thể gặp vấn đề tâm lý do việc tử cung bị cắt bỏ. Họ không cảm thấy mình còn là “phụ nữ đầy đủ”, vì một cách có ý thức hay chỉ ở mức tiềm thức, thường nữ tính vẫn được gắn với khả năng sinh con. Cuộc sống của đa số phụ nữ bị cắt bỏ tử cung do ung thư hay do xu lành tính cho thấy, sau khi được phẫu thuật, quan hệ tình dục đầy đủ vẫn hoàn toàn có thể.

Chiếu xạ vùng xương chậu

Việc này làm rối loạn chức năng hormone của buồng trứng, từ đó nhất định sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục và cảm giác tình dục của phụ nữ. Song, đôi khi khả năng mang thai vẫn còn. Nếu không có kế hoạch sinh con, cần tham vấn bác sĩ về các biện pháp phòng tránh thai.

Các hiệu ứng phụ khác từ việc chiếu xạ vùng xương chậu là co âm đạo, giảm bớt tính đàn hồi và khô niêm mạc. Trong trường hợp bị co âm đạo, việc sinh hoạt tình dục có thể dễ dàng hơn với việc sử dụng chất làm giãn. Khi bị khô hay giảm tính đàn hồi ở âm đạo có thể kem bôi trơn trên cơ sở nước. Kem dầu hay chứa mỡ có thể kích thích viêm niêm mạc và làm xuất hiện các bệnh nấm.

Ung thư tuyến sữa

Việc cắt bỏ ngực do ung thư vú có thể gây stress nặng cho phụ nữ nếu quan niệm rằng họ đánh mất nữ tính và đối với đàn ông sẽ không còn hấp dẫn nữa. Nỗi lo sợ này là do ngực phụ nữ được coi là biểu tượng chính của sự gợi tình. Do vậy, hậu quả của phẫu thuật cắt bỏ ngực có thể là bệnh trầm cảm hoài nghi, mất tự tin và rối loạn tình dục.

Sau phẫu thuật tuyến sữa, ở vùng bị cắt và các mô xung quanh có thể bị mất cảm giác và thấy đau. Nguyên nhân là do tổn thương thần kinh trong thời gian phẫu thuật hoặc do sự kéo căng da. Nếu sớm thực hiện tập luyện chữa bệnh, thường người ta sẽ tránh được hay giảm bớt các hậu quả này.
Ý kiến cho rằng việc cần phải tránh có thai sau khi chữa trị ung thư vú là không đúng. Song, cần thảo luận với bác sĩ điều trị về mong muốn có con. Trong trường hợp không muốn có thai, nên tham vấn với bác sĩ về các phương pháp tránh thai.

Bác sĩ có kinh nghiệm có thể cung cấp thông tin đầy đủ về việc chỉnh sửa và cấy ghép ngực. Thông thường, ngực mới cấy ghép trông không khác mấy so với ngực thông thường.